LỊCH SỬ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN PHƯỜNG HẢI THÀNH
Công trình thanh niên chuyển đổi số trong quảng bá địa phương
LỊCH SỬ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN PHƯỜNG HẢI THÀNH
1. Lịch sử hình thành và phát triển
Hải Thành xưa kia nơi đây là vùng sông nước mênh mông, suốt từ chân cầu Rào đến cửa sông Lạch Tray, ra biển Đồ Sơn. Trải qua năm tháng, phù sa và thủy triều đã bồi lắng dần, hình thành nên vùng đất bãi bồi ven sông, với thảm rừng ngập mặn cây cối rậm rạp, um tùm cỏ dại, lau lác, sú vẹt, sinh vật biển nhiều vô kể. Các sông Lạch Tray, sông Riêng, sông Cốc, sông Sàng tạo thành hệ thống đường giao thông thủy rất quan trọng trong vùng, có giá trị lớn về kinh tế và quân sự. Trong thực tế lịch sử nơi đây đã từng là địa bàn bám trụ kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông của quân, dân thời nhà Trần thế kỷ thứ XIII và các cuộc khởi nghĩa nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Cầu lãnh đạo (1741 - 1751).
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ nước ta, các nhà tư sản và chính quyền thực dân phong kiến đã khai thác mảnh đất ven biển để xây các dinh thự, biến Đồ Sơn thành nơi nghỉ mát. Được sự bảo hộ của Chính phủ Pháp, vua Thành Thái cho phép đắp đê Ngự Hàm ven sông Lạch Tray và triển khai xây dựng đường 14 nối liền Hải Phòng - Đồ Sơn. Đầu thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục ban hành chính sách khai hoang lấn biển. Nhân dân từ nhiều nơi làm nghề chài lưới đã hội tụ, xuôi dòng đánh cá trên sông Lạch Tray vươn tới cửa Ba Lạch. Nhiều đoàn ngư dân đến đây để mưu sinh, nhưng phần lớn phải vội vàng chia tay. Những người trụ lại đòi hỏi phải có bản lĩnh kiên trì chịu đựng, nghị lực phi thường chống chọi với sóng biển và giặc giã để tồn tại. Vùng bãi bồi ven sông Lạch Tray trở thành nguồn lợi kinh tế lớn phục vụ đời sống nhân dân trong vùng. Lợi dụng con nước thủy triều lên xuống, người dân chủ động khai thác nguồn cá, săn bắt chim trời, chặt cây, đốn củi để lo toan cuộc sống.
Vào khoảng năm 1930 có 40 chiếc thuyền của bốn mươi gia đình dân chài đến vùng đất bãi bồi ven sông Lạch Tray đánh cá. Ban ngày họ bám biển quai săm, đánh te, quăng chài săn bắt các loại hải sản trên sông. Tối đến họ thường cho thuyền đậu sát vào các bụi dứa, cây lậu, lên gò cát làm chòi trú ẩn qua đêm. Lúc đầu cũng chỉ neo đậu tạm bợ, nhưng dần dần họ nhận ra vị trí thuận lợi của gò cát trong quá trình lưu trú. Các chủ thuyền bàn bạc cùng nhau đắp bờ, quây khu dựng nhà, lập làng, xóm Đáy được hình thành.
Một số ngư dân ở làng Thủy Giang xã Trường Thành, huyện An Lão làm nghề chài lưới dọc sông Lạch Tray đoạn từ Núi Voi đến cửa biển Đồ Sơn. Ba anh em cụ Trần Văn Quảng, hai anh em cụ Đỗ Văn Kha và cụ Trần Thủ cũng đã nhận thấy lợi thế của bãi bồi này, cùng với những hộ dân khác thống nhất đổi tên xóm Đáy thành làng Thủy Giang. Các hộ gia đình đều theo đạo Thiên chúa, họ dựng nhà thờ, tối tối mọi người đến cầu kinh theo nghi lễ sinh hoạt của đạo giáo.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân làng chài Thủy Giang trở thành chủ nhân của vùng biển này, họ tự quyết định công việc lao động, sản xuất, tích cực tham gia xây dựng chế độ mới. Chấp hành sự lãnh đạo của Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Kiến Thuỵ, dân làng chài Thủy Giang tham gia tích cực phong trào chống giặc đói, giặc dốt, tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên trong cả nước ngày 06/01/1946 và bầu cử Hội đồng nhân dân ngày 24/4/1946.
Đến ngày 03/02/1960 tập đoàn đánh cá Thủy Giang được thành lập dựa trên việc học tập mô hình của tập đoàn đánh cá Đông Thành xã Đại Hợp. Tập đoàn đã phát huy được sức mạnh tập thể, chủ động vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản bước đầu đạt hiệu quả kinh tế. Thực hiện chủ trương chỉ đạo của cấp trên, tập đoàn đánh cá Thủy Giang được tổ chức lại thành Hợp tác xã ngư nghiệp Thủy Giang.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của cả nước. Đến năm 1976, Hợp tác xã đánh cá Thủy Giang được Nhà nước cấp sổ gạo cho tất cả các khẩu trong hộ gia đình và nhận kế hoạch giao nộp sản phẩm đánh cá hàng năm. Trải qua năm tháng, sa bồi đã hình thành nên dải đất ven sông Lạch Tray kéo dài ra đến cửa biển Đồ Sơn. Nhận thấy nguồn lợi to lớn về thủy, hải sản, rừng ngập mặn chắn sóng, con người nơi đây đã từng bước chinh phục và khai phá. Những ý tưởng về quai đê, lấn biển, mở rộng đất đai dần được hình thành, hứa hẹn một tương lai phát triển của vùng đất mới.
Ngày 05/3/1980, huyện Đồ Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị là huyện Kiến Thụy và thị xã Đồ Sơn. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Đồ Sơn về việc vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, các xã trong huyện đã khẩn trương đăng ký số lượng, nộp danh sách về Phòng Lao động huyện để bàn giao cho Ban Quản lý dân cư khu kinh tế mới. Hợp tác xã nông nghiệp Hải Thành được thành lập theo Quyết định số 276/QĐ-UB, ngày 30/6/1983, của Ủy ban nhân dân huyện Đồ Sơn, có kế hoạch bước đầu tiếp nhận 100 hộ, với 300 lao động từ các xã chuyển tới. Với tinh thần lao động bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại, Nhân dân khu kinh tế mới Hải Thành đã dựng được hàng trăm ngôi nhà, chặt cây dọn cỏ, cuốc đất gieo trồng, biến vùng đất hoang vu, xa bồi dưới bàn tay khối óc của con người thành những cánh đồng vàng hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đồ Sơn ra nghị quyết, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện lập tờ trình đề nghị Trung ương và thành phố cho thành lập hai đơn vị mới là xã Hải Thành và xã Tân Thành.
Ngày 23/4/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 70/QĐ-HĐBT về việc phân chia địa giới hành chính một số xã, thị trấn của huyện Cát Hải và huyện Đồ Sơn, xã Hải Thành và xã Tân Thành được thành lập trực thuộc huyện Đồ Sơn.
Ngày 06/6/1988, huyện Kiến Thụy được tái lập trên cơ sở tách ra từ huyện Đồ Sơn theo Quyết định số 100/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 25/7/1988, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy ra Quyết định số 330/QĐ-UB về việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã Hải Thành và Tân Thành. Thôn Thủy Giang xã Hòa Nghĩa nay thuộc về xã Hải Thành. Thực hiện quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với xã Hải Thành, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy ra Quyết định số 15-QĐ/HU, ngày 20/8/1988, về thành lập Đảng bộ xã Hải Thành. Năm 1989, Hợp tác xã đánh cá Thủy Giang đổi thành Tập đoàn đánh cá Thủy Giang.
Trước yêu cầu phát triển của đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05/8/2003, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của thành phố, ngày 12/9/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2007/NĐ-CP, về điều chỉnh địa giới huyện Kiến Thụy để thành lập quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn. Xã Hải Thành, huyện Kiến Thụy được tách ra để thành lập phường Hải Thành, quận Dương Kinh.
2. Vị trí địa lý
Phường Hải thành nằm ở phía Đông Nam của quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông và phía Bắc giáp quận Hải An (qua sông Lạch Tray).
- Phía Tây giáp phường Anh Dũng và phường Hòa Nghĩa (qua đường Phạm Văn Đồng).
- Phía Nam giáp phường Tân Thành.

![]()
Bản đồ địa giới hành chính phường Hải Thành, quận Dương Kinh
3. Điều kiện tự nhiên
Phường có diện tích tự nhiên là 529,24 ha, có 1.881 hộ, với 6.421 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn của 06 tổ dân phố gồm:
- Tổ dân phố 1A có 168 hộ gia đình
- Tổ dân phố 1B có 223 hộ gia đình
- Tổ dân phố 1C có 237 hộ gia đình
- Tổ dân phố số 2 có 321 hộ gia đình
- Tổ dân phố số 3 có 446 hộ gia đình
- Tổ dân phố Thủy Giang có 268 hộ gia đình

Cổng liên tổ dân phố số 1

Nhà văn hóa tổ dân phố số 3, phường Hải Thành

Nhà văn hóa tổ dân phố Thủy Giang, phường Hải Thành
* Về cơ sở giáo dục và y tế:
- Trên địa bàn phường có 3 trường học: Trường Mầm non Hải Thành, Trường Tiểu học Hải Thành, Trường THCS Hải Thành, trong đó:
+ Trường Mầm non Hải Thành đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, có khu A tại tổ dân phố số 2, khu B tại tổ dân phố 1B.

Trường Mầm non Hải Thành, quận Dương Kinh
+ Trường Tiểu học Hải Thành đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, có khu A tại tổ dân phố số 3, khu B tại tổ dân phố 1B.

Trường Tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh
+ Trường THCS Hải Thành đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, đặt tại tổ dân phố số 3.

Trường THCS Hải Thành, quận Dương Kinh
- Trạm Y tế phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở giai đoạn 3, có trụ sở tại tổ dân phố số 3.

Tram Y tế phường Hải Thành, quận Dương Kinh
* Về Tôn giáo, Dân tộc:
- Trên địa bàn có 02 cơ sở tôn giáo tín ngưỡng: Chùa Hải Châu (Phật giáo) và Nhà thờ giáo xứ Thủy Giang (Công giáo).

Chùa Hải Châu, phường Hải Thành

Nhà thờ Giáo xứ Thủy Giang, phường Hải Thành
- Về Dân tộc: phần lớn trên địa bàn là người kinh, ngoài ra có nhiều người là dân tộc Tày, Thái, Mường, Dao,… từ nơi khác về làm việc và sinh sống tại địa bàn liên các tổ dân phố số 1.
4. Điều kiện Kinh tế - Xã hội
* Tiềm năng lợi thế: Là phường loại 1, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, có tuyến sông Lạch Tray từ Cầu Rào ra đến cửa biển Đồ Sơn; có tuyến đường tỉnh lộ 353 (đường Phạm Văn Đồng) đi qua kết nối trung tâm thành phố với Đồ Sơn và đường cao tốc ven biển đi Thái Bình…, có lối ra - vào tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối đia phương với các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…

Tuyến đường tỉnh lộ Phạm Văn Đồng qua địa bàn phường Hải Thành
* Hạ tầng giao thông, đô thị: Các tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn phường đa số cơ bản đã được nhựa hóa và đặt tên đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh sống, làm ăn, khuyến kích các doanh nghiệp đầu tư.

Một góc đô thị phường Hải Thành

Tuyến đường trục chính tổ dân phố
* Công, thương nghiệp: trên địa bàn có khu nhà xưởng HTM, Phú Lâm, Thành Hưng, Tiến Huy và một số nhà xưởng, xí nghiệp, là một trong các khu công nghiệp quan trọng phía Đông của thành phố phát triển mạnh về sản xuất, logistics…

Khu công nghiệp của Hải Thành
* Thương mại dịch vụ: Năm 2023 trên địa bàn phường có 586 hộ, cơ sở kinh doanh cá thể thương mại, dịch vụ. Các dịch vụ, thương mại ngày càng được mở rộng và đa dạng. Có 124 doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký kinh doanh trên mọi lĩnh vực.

Mô hình phát triển chăn nuôi
* Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản là 207,03 ha, hiện nay phường triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đẩy mạnh nuôi trồng tôm, cua, cá… đảm bảo sử dụng hiệu quả diện tích nuôi trồng. Phường có 32 phương tiện khai thác thủy hải sản hoạt động trên các vùng biển trong thềm lục địa.

Mô hình nuôi trồng thủy sản

Nơi neo đậu tàu đánh cá
5. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Chính trị - xã hội

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường
* Đảng bộ phường:
Ban Chấp hành Đảng bộ phường luôn phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân phường khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển; công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng. Quốc phòng - an ninh đươc giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chủ động triển khai các hoạt động, phát động các phong trào thi đua yêu nước.
Đến tháng 6/2024, Đảng bộ phường Hải Thành hiện có 369 đảng viên, trong đó: nam 205 đồng chí bằng 55,6%, nữ 164 đồng chí bằng 44,4%, sinh hoạt tại 16 chi bộ (trong đó có 06 Chi bộ TDP, 03 Chi bộ trường, 01 Chi bộ công an, 01 Chi bộ Trạm Y tế, 01 Chi bộ quân sự phường, 04 Chi bộ doanh nghiệp ngoài nhà nước). Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phường thường xuyên được củng cố kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập chi bộ đảng đầu tiên phường Hải Thành
* Về chính quyền:
- Hàng năm. UBND phường triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhiều năm liền được UBND quận và UBND thành phố đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của quận và của thành phố.
+ BCH Quân sự phường phối hợp với các lực lượng vũ trang, nắm chắc tình hình địa bàn, triển khai thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an toàn địa bàn trong các dịp lễ, tết. Quán triệt thực hiện tốt công tác động viên, tuyển quân, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng năm.
+ Công an phường chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nắm chắc tình hình địa bàn, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vào các dịp lễ, tết. Triển khai xây dựng thành công mô hình “Công an phường điển hình kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị”. Tích cực tham mưu cho Đảng ủy - HĐND - UBND phường triển khai mô hình “Hải Thành 5 an”. Phối hợp thực hiện tốt công tác điều tra phá án.

Trụ sở Công an phường
* Về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, hội viên và Nhân dân; tuyên truyền chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước và các quy định của địa phương, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình “Dân vận khéo”.
6. Một số thành tích nổi bật của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội
- Hàng năm, Đảng bộ phường Hải Thành được đánh giá là Tổ chức đảng “Trong sạch, vững mạnh”; 03 năm (2020, 2022, 2023) được Quận ủy đánh giá là Đảng bộ “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu.
- UBND phường giai đoạn 2015 - 2020, 2022, 2023 được UBND thành phố tặng cờ “đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”.
- HĐND phường được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen.


Cờ của UBND thành phố tặng “đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” nhiều năm liền



Bằng khen, giấy khen tặng UBND phường



Bằng khen, giấy khen tặng Đảng bộ phường

Bằng khen tặng HĐND phường
7. Lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể phường nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Văn Lực - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường
- Đồng chí Phạm Văn Ánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy
- Đồng chí Trịnh Văn Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường
- Đồng chí Ngô Quang Thắng - Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND phường
- Đồng chí Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND phường
- Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND phường
- Đồng chí Nguyễn Quang Khỏe - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường
- Đồng chí Đỗ Thị Hiện - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Hội LHPN phường
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Phú - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường
- Đồng chí Trần Thọ Đại - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Nông dân phường

Tập thể cán bộ, công chức phường Hải Thành
Link phóng sự: https://www.youtube.com/watch?v=xZRaOt-hPyQ
Nguyễn Mạnh Phú - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Hải Thành